chi tiet tin - Ngân hàng chính sách xã hội

 

Mô hình heo rừng lai tận dụng phụ phẩm tăng thêm thu nhập cho nông hộ

Ngày 13-12-2021 - Lượt xem: 196

Mô hình nuôi heo rừng lai tận dụng phế phẩm từ cây mít của bà Nguyễn Thúy Kiều - ở ấp Thuận Hưng, Thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, góp phần tăng thêm thu nhập.

Nhiều năm trở lại đây, diện tích cây mít tại huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang ngày càng tăng cao, phụ phẩm từ cây mít (lá, trái non, sơ mít, mít sơ đen…) rất nhiều, không tận dụng sẽ gây lãng phí, gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, phong trào chăn nuôi tận dụng phụ phẩm từ cây mít những năm gần đây phát triển mạnh. Bên cạnh mô hình chăn nuôi dê, vịt, gà tận dụng phụ phẩm từ mít thì mô hình chăn nuôi heo rừng lai đang là hướng phát triển kinh tế mới , triển vọng của nhiều hộ chăn nuôi tại đây.

Ảnh: chuồng heo rừng lai của Bà Nguyễn Thúy Kiều

Ảnh: chuồng heo rừng lai của Bà Nguyễn Thúy Kiều

Điển hình là hộ bà Nguyễn Thúy Kiều ở ấp Thuận Hưng, Thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, sinh ra trong một gia đình nông dân, nguồn thu của gia đình chủ yếu dựa vào vườn cây ăn trái và buôn bán trái cây. Tuy nhiên, bản thân gia đình chị Kiều rất “mê” nghề chăn nuôi, bởi theo lý giải của chị, chăn nuôi không nặng nhọc như làm vườn, tận dụng được diện tích xung quanh nhà và phụ phẩm từ vườn cây ăn trái, nhưng lời khá cao. Chính vì vậy, chị luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người xung quanh để tiến hành nuôi heo rừng lai thương phẩm tận dụng phụ phẩm từ vườn cây ăn trái của gia đình.

Năm 2020, khi tình hình dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi đã giảm hẳn, gia đình chị bắt đầu chăn nuôi heo rừng lai theo hình thức kinh tế hộ, chủ yếu tận dụng phụ phẩm từ vườn mít của gia đình. Sau khi xuất bán lứa heo đầu tiên, thấy hiệu quả mang lại khá cao, chị tiếp tục đầu tư, mở rộng chăn nuôi với quy mô lớn hơn. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi gia súc, gia cầm và học hỏi kinh nghiệm thông qua sách báo, đến năm 2021 chị quyết định đầu tư áp dụng mô hình nuôi heo rừng lai theo quy trình khép kín, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp.

Chị Kiều cho biết: “Đầu năm 2021, Tôi tiến hành xây dựng thêm khu chuồng nuôi sinh sản, để tự sản xuất con giống tạo nguồn cung cấp giống ổn định cho trại của gia đình và những người xung quanh khi có nhu cầu. Khi heo sinh sản, tôi tiếp tục gây nuôi thành heo thương phẩm. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phân heo thải ra, tôi tận dụng ủ làm phân bón cho vườn cây ăn trái, góp phần tăng thu nhập cho gia đình”.

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang triển khai mô hình “Chăn nuôi heo rừng lai gắn liên kết chuỗi giá trị”, mỗi hộ được hỗ trợ 1 heo đực và 3 heo cái (hỗ trợ 50% giá mua con giống). Chị đã mạnh dạng đăng ký tham gia để học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm về chăn nuôi heo sinh sản và tìm đầu ra ổn định để mở rộng qui mô chăn nuôi của gia đình.

Từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ ban đầu, hiện nay trong chuồng của gia đình chị Kiều lúc nào cũng có trên 10 con heo rừng sinh sản và hơn 15 heo thịt. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi cộng thêm kinh nghiệm tích lũy được qua nhiều năm mà đàn heo của gia đình chị Kiều luôn tăng trưởng, phát triển tốt. Những thành công đó đã tạo động lực để chị Kiều tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Cũng theo chị Kiều, thức ăn chủ yếu chị sử dụng là phụ phẩm từ cây mít (trái mít dạt, sơ đen…), cám gạo nên chi phí thấp. Heo rừng lại có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Tuy nhiên để đàn heo phát triển tốt, heo phải được tiêm vắc xin đầy đủ, chuồng trại  cao ráo, thoáng gió….

Trung bình mỗi lứa heo thịt chị kiều nuôi khoảng  6 – 7 tháng, mỗi con nặng từ 25 đến 30 kg là xuất bán được với giá 120 nghìn đồng/kg; còn heo giống được người dân đến tận hộ để mua với giá 3 triệu đồng/cặp (mỗi con nặng bình quân khoảng 10kg). Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi trên 100 triệu đồng.

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi heo rừng lai tận dụng phụ phẩm cây mít của chị Kiều mang lại rất cao. Đây là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình ở thị trấn Ngã Sáu nói riêng và huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang nói chung.

Qua mô hình này cũng cho thấy, người nông dân trên địa bàn đã tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của huyện Châu Thành.

Nguyễn Minh Sang
Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành


Đang online: 1
Hôm nay: 621
Đã truy cập: 402773
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.