Giảm nghèo bền vững là mục tiêu xuyên suốt và quan trọng được các cấp ủy Đảng, Chính quyền và Nhân dân huyện Phụng Hiệp quyết tâm hướng đến. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là Chương trình tín dụng vốn vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo ở huyện Phụng Hiệp đã phát huy hiệu quả, giúp cho nhiều hộ nghèo có điều kiện sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhà có 3 thành viên, không ruộng đất canh tác, thu nhập chủ yếu dựa vào tiền làm thuê. Qua nắm bắt nhu cầu của người dân, cách đây hơn 3 năm, được chính quyền địa phương xã Phương Bình giới thiệu cho gia đình chị Lan tiếp cận nguồn vốn vay 65 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để sữa nhà, vô nước sạch sinh hoạt, phần tiền còn lại vợ chồng anh chị đầu tư mua xe đẩy để mua phế liệu. Nhờ cần cù, siêng năng 02 năm qua gia đình chị Lan tích lũy được số vốn để mở rộng quy mô mua bán phế liệu. Hiện tại mỗi tháng chị Lan tích góp từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm, dự tính phấn đấu thêm vài năm nữa sẽ trả dần tiền vay cho Ngân hàng CSXH, đầu năm nay chị Lan mạnh dạng đăng ký xin thoát nghèo. Chị Phan Thị Lan, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp chia sẽ:“Nhờ có nguồn vốn này đã giúp cho gia đình có cuộc sống ổn định hơn. Bởi trước đây gia đình gặp rất nhiều khó khăn, con thì bệnh, nhà thì xuống cấp không ruộng đất, không nghề nghiệp ổn định. Nhờ có đồng vốn vay mình về đầu tư và mua bán, rồi nhà nước cất cho cái nhà tình thương nên từ đó cũng có điều kiện xin thoát nghèo, nhường sự hỗ trợ này cho người khác.”
Ảnh, anh Thịnh chăm sóc đàn Dê
Còn đối với gia đình anh Phạm Ngọc Thịnh, năm 2022 anh được Ngân hàng CSXH huyện giúp vốn 65 triệu đồng, với số vốn trong tay anh lựa chọn mô hình nuôi dê để khởi nghiệp. Từ vài cặp dê giống ban đầu sau 2 năm chăm sóc đàn dê của anh đã phát triển hơn 70 con. Năm nay, giá dê thịt và dê giống bán được giá cao từ 100.000 – 120.000 đồng/kg nên gia đình anh có lợi nhuận khá. Theo tính toán, từ đầu năm tới nay anh xuất bán trên 50 con dê thịt và dê giống, trừ hết chi phí lợi nhuận hơn 70 triệu đồng. Theo anh Thịnh cho biết, dê dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, thức ăn chủ yếu là cỏ và một số phụ phẩm khác như xơ mít, chuối cây, rau cải vụn nên hạn chế được chi phí đầu tư.
Hiện đàn dê của anh có gần 70 con, trong đó hơn phân nửa là dê bố mẹ. Bình quân, dê cái cho sinh sản mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 2 con, nếu được chăm sóc tốt dê có thể đạt trọng lượng từ 20-22 kg/con qua 5, 6 tháng nuôi nên gia đình anh có dê bán quanh năm. Anh dự tính sang năm giành tiền bán dê để trả dần tiền vay cho Ngân hàng CSXH huyện. Anh Phạm Ngọc Thịnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp nói:“Nhờ số vốn vay bên Ngân hàng CSXH nên gia đình tôi mới mạnh dạng mở rộng quy mô chăn nuôi dê, gia đình trước đây thì khó khăn, thiếu vốn nếu mình hỏi mượn tiền bên ngoài thì trả hong nổi. Nếu giá dê ổn định ở mức cao như hiện nay thì tiền bán dê giống và dê thịt khoảng chừng hai đến ba năm nữa là tôi trả hết nợ cho nhà nước.”
Để hạn chế tái nghèo, các cấp chính quyền địa phương huyện Phụng Hiệp tập trung tuyên truyền để hộ nghèo, cận nghèo nắm bắt được chủ trương liên quan đến công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó thì sự đồng hành từ Ngân hàng CSXH huyện là chỗ dựa để các gia đình đảm bảo điều kiện để chăm lo phát triển kinh tế gia đình.
Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, ngoài nguồn vốn từ Chương trình Quỹ “Vì người nghèo”, các Chương trình mục tiêu Quốc gia thì năm nay xã Tân Bình đã hỗ trợ cho 2.132 hộ gia đình vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện với số tiền trên 76 tỷ 800 triệu đồng để các hộ gia đình phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần cùng với xã giảm được 27 hộ nghèo và 26 hộ cận nghèo vào cuối năm. Ông Mai Chí Toại, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp cho biết thêm:“Chúng tôi khảo sát thực tế từng trường hợp có nhu cầu vay vốn về nhà ở, nước sạch, trồng trọt hay chăn nuô, từ đó xem xét hỗ trợ vay vốn cho hợp lý đối với từng trường hợp. Phương châm của chúng tôi là phải hỗ trợ đúng người, từ đó mới phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.”
Ảnh, Ngân hàng CSXH huyện Phụng hiệp thực hiện giao dịch tại xã Tân Bình
Tính đến 30/10/2024, tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị xã hội, gồm nông dân Hội liên hiệp phụ nữ, Hội liên hiệp thanh niên và Hội Cựu chiến binh đạt 881.851 triệu đồng, tăng 80.128 triệu đồng so với đầu năm, chiếm 97,49% tổng dư nợ cho vay của phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, với 22.197 hộ còn dư nợ, thông qua 465 tổ TK&VV. Bên cạnh đó, qua xếp loại chất lượng hoạt động 465 Tổ TK&VV tính đến 31/10/2024 có 433 tổ tốt, chiếm 93,1%; tổ khá 32 tổ, chiếm 6,9%; không có tổ trung bình, yếu. Kết quả đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động giao dịch xã, tính đến ngày 31/10/2024 đạt 98,43 điểm, xếp loại Tốt. Trong đó, tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã đạt 99,63%, tỷ lệ thu lãi tại điểm giao dịch xã đạt 99,19%, tỷ lệ thu nợ gốc tại điểm giao dịch xã đạt 98,02%. Bà Đỗ Thị Ngọc Bích, Phó Gíam đốc Ngân hàng CSXH huyện Phụng Hiệp cho biết: “Để nguồn vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hiệu quả, hàng năm Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phụng Hiệp đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các tổ chức chính trị- xã hội tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh và địa phương; thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại 15 xã, thị trấn. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, rà soát chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra việc bình xét cho vay đảm bảo công khai, minh bạch, đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định”.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng CSXH huyện không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Phụng Hiệp hướng tới mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong tương lai./.
Lê Đĩnh – Truyền thanh huyện Phụng Hiệp